Không phải ngẫu nhiên, khu Đông luôn là điểm nóng trên bản đồ BĐS TP HCM khi liên tục dẫn đầu tất cả chỉ số quan trọng nhất như nguồn cung, tỉ lệ tăng giá, thanh khoản… suốt một thập kỷ qua.
Với vị thế cửa ngõ trọng yếu của vùng kinh tế phía Nam cùng hạ tầng, tiện ích vượt trội, nơi đây sẽ tiếp tục đón làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ về an cư lạc nghiệp.
“Người anh cả” của thị trường BĐS
TP HCM được chia thành 5 khu vực phát triển, gồm Nam – Tây – Tây Bắc – Đông và trung tâm. Kể từ 2014 tới nay, khu Đông vươn lên mạnh mẽ như “người anh cả” và giữ vị thế này trong suốt 10 năm qua với nhiều chỉ số ấn tượng.
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, số lượng sản phẩm ra mắt sụt giảm đều đặn mỗi năm, song khu Đông vẫn dẫn đầu toàn thành phố về nguồn cung mới. Dự báo từ Cushman & Wakefield Việt Nam, nguồn cung căn hộ và nhà liền thổ tại TP HCM giai đoạn 2024 – 2026 cũng sẽ chủ yếu nằm tại khu Đông. Chỉ sau một thập niên, từ hiện trạng dân cư thưa thớt nay khu Đông đã “lột xác” thành dải đô thị nhộn nhịp bậc nhất với giá trị BĐS bật tăng từng ngày.
Không chỉ áp đảo về nguồn cung, BĐS khu Đông đang vượt xa các khu còn lại về mặt bằng giá. Theo thống kê của Nhà Tốt, mức giá trung bình căn hộ tại TP Thủ Đức đạt 65,51 triệu/m2 trong quý IV-2023. Cùng với đó, tỉ lệ tăng giá cao bậc nhất thị trường, trung bình gấp 2,5 – 3 lần, đã giúp nhiều nhà đầu tư thu về nguồn lợi nhuận lớn trong suốt 1 thập kỷ qua. Đồng thời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp khu Đông cũng vô cùng sôi động khi nguồn cầu dồi dào.
Báo cáo năm 2023 của Savills cho biết, tỉ lệ hấp thụ căn hộ tại TP HCM lên tới 84%. Riêng khu Đông, dù mặt bằng giá liên tục lập đỉnh song tỉ lệ hấp thụ vẫn vô cùng ấn tượng. Điển hình, Vinhomes Grand Park thường xuyên ghi nhận những kỷ lục vô tiền khoáng hậu về bán hàng như tiêu thụ 10.000 căn hộ The Rainbow, chỉ trong 17 ngày, “bay hàng” 2.400 căn hộ The Origami trong 3 ngày…
Ngay cả thời điểm 2022-2023, thị trường có dấu hiệu chững lại, Vinhomes Grand Park vẫn là dự án “phá băng” với 2.000 căn hộ được bán trong 34 giờ tại phân khu Glory Heights… Tất cả chỉ số trên là minh chứng rõ nét cho thấy khu Đông đang là hướng an cư mới và chủ đạo trên bản đồ cung – cầu nhà ở TP HCM.
Hiện nay, TP Thủ Đức đang có 1,2 triệu dân, dự kiến đến năm 2030 tăng lên 1,5 triệu người, tương đương mỗi năm tăng thêm ít nhất 50.000 dân an cư lâu dài, chưa kể lực lượng sinh viên, người lao động. Với đà tăng này, riêng Thủ Đức ước tính cần ít nhất 11.000 căn nhà mỗi năm. Thế nhưng, theo dữ liệu từ Bộ Xây dựng, cả năm 2023, toàn TP HCM chỉ có 18.000 căn chào bán, chưa kể nguồn cung liên tiếp giảm do quỹ đất eo hẹp. Bức tranh đối nghịch này cho thấy, giá căn hộ khu Đông sẽ chỉ tăng chứ không thể giảm.
Vững vị thế hướng phát triển chủ đạo của thành phố
TP HCM đang phát triển theo mô hình đa cực, đa trung tâm. Trong đó, Thủ Đức được xác định là hạt nhân dẫn đầu đóng góp 30% GRDP của thành phố, tương đương 7% GDP cả nước, cho thấy vai trò vĩ mô và sức bật khổng lồ của khu vực.
Điều này cũng lý giải vì sao trong nhiều năm qua, hạ tầng khu Đông luôn đứng số 1 về giải ngân đầu tư công với tốc độ nhanh, ráo riết và là khởi điểm của hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Có thể kể đến tuyến Metro số 1 sắp về đích, tuyến Vành Đai 3 đang được đẩy nhanh, … Công trình sắp đầu tư có Vành Đai 2, nút giao thông An Phú, cầu Cát Lái, vòng xoay Mỹ Thủy, mở rộng đường Nguyễn Thị Định và Đỗ Xuân Hợp… Các công trình đã hoàn thiện như cầu Long Đại, cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, hầm Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1-2, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, bến xe miền Đông mới…
Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam – đánh giá, việc thành lập thành phố phía Đông đã tác động rõ nét tới quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông – xã hội. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực này lên một tầm cao mới, vượt hẳn so với mặt bằng chung của toàn thành phố.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM – cho rằng: “Với chiến lược xây dựng khu đô thị sáng tạo, TP phía Đông sẽ thu hút một lượng lớn cư dân là những nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn nước ngoài có mức thu nhập rất cao. Chính vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp này, chắc chắn BĐS cao cấp, bao gồm nhà ở, căn hộ, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc sẽ được ưu tiên”.
Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều dự án đô thị cao cấp vài năm qua đón làn sóng chuyển cư kỷ lục, tiêu biểu như Vinhomes Grand Park ghi nhận số cư dân hiện tại hơn 60.000 người, trong đó tầng lớp cư dân tri thức, chuyên gia, người nước ngoài rất đông đảo, tương lai còn hứa hẹn gia tăng mạnh mẽ.
Vinhomes Grand Park sở hữu hấp lực khổng lồ từ các mảnh ghép siêu tiện ích, như Đại công viên 36 ha lớn bậc nhất Đông Nam Á, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, 24 điểm trường – trong đó hệ thống trường Vinschool lớn nhất TP HCM, hệ thống buýt điện VinBus… đưa nơi đây thành hub “mua sắm – giao thương – giáo dục – y tế – lễ hội – vui chơi” của cả TP HCM. Đặc biệt, bộ đôi “siêu” tiện ích là TTTM Vincom Mega Mall và vũ trụ giải trí VinWonders đầu tiên tại TP HCM chính thức khai trương vào mùa hè này sẽ khiến sức hấp dẫn của “thành phố triệu điểm đến” gia tăng gấp bội.
Tất cả giá trị khác biệt này đang là đòn bẩy giúp Vinhomes Grand Park nói riêng và khu Đông nói chung ngày càng thăng hạng về cả vị thế, chất sống và giá trị đầu tư.
An Mai
Nguồn: Báo Người Lao Động